+84273. 3882 378

Tiền Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững

Tiền Giang là một trong các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước, với hơn 84,7 ngàn ha và sản lượng hàng năm trên 1,76 triệu tấn trái cây các loại.

Trong đó, có một số loại trái cây đặc sản như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng Cai Lậy, vú sữa Vĩnh Kim, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo…

Mục tiêu của Tiền Giang là phát triển nền nông nghiệp hiện đại, cung cấp rau quả, trái cây đặc sản, đáp ứng nhu cầu thị trường nội tỉnh, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu; là vùng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến.

Lễ ký kết biên bản bàn giao Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang và cam kết triển khai thực hiện đến năm 2025 giữa Sở Công thương (bên giao) và Công ty TNHH TM DV Trí Sơn (bên nhận).

Mở rộng chuỗi liên kết

Với nhiều tiềm năng lợi thế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản, rau màu chuyên canh theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay tỉnh có 263 sản phẩm OCOP từ 03 sao trở lên (gồm 99 sản phẩm 04 sao và 164 sản phẩm 03 sao) với tổng số 122 chủ thể tham gia (trong đó, 21 chủ thể là HTX, 40 doanh nghiệp và 61 hộ sản xuất kinh doanh).

Trên thực tế, những năm gần đây, Tiền Giang đã đưa chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu, ngoài việc ban hành cơ chế, chính sách cụ thể cho Chương trình OCOP, tỉnh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, hệ thống tư vấn thực hiện OCOP; nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; đổi mới và đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Tiền Giang tập trung mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa - dịch vụ của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước ổn định, bền vững; tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và nông, lâm, thủy sản của tỉnh có cơ hội tiếp cận hệ thống phân phối lớn như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi... Đặc biệt là các đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai...

Sản xuất hàng hoá tập trung

Tuy nhiên, theo dự báo, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giá cả đầu vào tăng cao vẫn là những nguyên nhân chính tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, là cơ hội để hàng nông sản có lợi thế so sánh thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Nông nghiệp Tiền Giang trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án: Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang và các dự án chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ các nông sản chủ lực: thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc…

Về định hướng phát triển, Tiền Giang sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh theo 2 nhóm sản phẩm, bao gồm nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh (gắn liền nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia) và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương. Trong đó, chú trọng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung phát triển trung tâm đầu mối nông nghiệp về trái cây, rau màu, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tích hợp các ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, dịch vụ và logistics.

Cụ thể, đối với nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh bao gồm: trái cây (sầu riêng, thanh long, mít,..); rau màu; lúa gạo; thịt heo; thịt và trứng gà; tôm… Tiền Giang tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn thông qua hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt, tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý hoặc theo yêu cầu cụ thể từng thị trường; đảm bảo số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở doanh nghiệp kinh doanh, chế biến; xúc tiến việc xây dựng thương hiệu.

Đối với nhóm sản phẩm đặc sản địa phương có quy mô nhỏ, Tiền Giang tập trung vào các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy bản sắc, lợi thế của các địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình OCOP. Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

NAM TRANG - TẠP CHÍ DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP