+84273. 3882 378

Tiền Giang sẽ là trung tâm động lực của vùng

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030 đã tạo cơ hội phát triển đột phá trong thời gian tới với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), tỉnh có nhiều cơ hội phát triển đột phá trong thời gian tới, trở thành một trong những trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát, kiểm tra tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2

Ông Rob Brouwer - Giám đốc Dự án tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Tiền Giang cho biết: Quy hoạch đã đưa ra những định hướng quan trọng nhằm phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh. Trong đó, về phát triển kết cấu hạ tầng, Tiền Giang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng TP Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bộ, hiện đại

Đối với phát triển công nghiệp, Tiền Giang phát triển công nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh Tiền Giang, trong đó tập trung phát triển tại 2 khu vực: Khu vực công nghiệp Tân Phước (khoảng 10.000 ha), tập trung phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và Khu vực công nghiệp Gò Công (khoảng 5.000 ha) phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: logistics, dịch vụ dầu khí, cảng, công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghệ cao...

Bên cạnh đó, Tiền Giang tập trung phát triển ngành thương mại, dịch vụ, logistics: Đầu tư hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại có tính lan tỏa, thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hóa; đẩy mạnh thương mại điện tử, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; Phát triển mạnh du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác; tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, nông nghiệp nông thôn, văn hoá - thể thao, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; Tăng cường phát triển logistics nhằm phát huy tối đa vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho vận giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; trở thành lĩnh vực chủ lực của tỉnh.

Đặc biệt, để phát huy thế mạnh về nông nghiệp, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư theo hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân; sản xuất thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất. Đồng thời, Tiền Giang tập trung thu hút đầu tư hình thành những vùng chuyên canh lớn, đặc biệt là chuyên canh cây ăn trái, vùng trồng lúa cao sản theo hướng nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước…

Hiện thực hóa chiến lược phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Nhằm đảm bảo yêu cầu, chất lượng các nội dung Quy hoạch, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ khẩn trương thực hiện các bước triển khai Quy hoạch, tập trung các nhiệm vụ quan trọng.

Thứ nhất, quan tâm thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, công bố công khai, rộng rãi nội dung Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thông qua các kênh thông tin, truyền thông, nhất là những nội dung cốt lõi, quan trọng của Quy hoạch, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và để thực hiện quyền giám sát việc thực thi Quy hoạch theo quy định.

Thứ hai, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, lĩnh vực phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh làm cơ sở cho việc đẩy mạnh hoạt động mời gọi thu hút đầu tư để phát triển.

Thứ ba, tỉnh cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung thực hiện chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục đầu tư thuận tiện, thông thoáng, kịp thời, đúng quy định pháp luật để xúc tiến đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và cơ chế, chính sách, tác phong, lề lối làm việc, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực… tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất để thu hút đầu tư.

Thứ tư, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp, hướng dẫn của các bộ, ban, ngành Trung ương, nhất là về cơ chế và nguồn lực triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

NAM TRANG - TẠP CHÍ DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP