Tiền Giang - Gỡ điểm nghẽn tăng trưởng
Năm 2030 Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị.
Với Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang sẽ sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho tỉnh, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.
Tiền Giang có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch, nằm trên trục giao thông quan trọng, cách TP. Hồ Chí Minh 70 km về phía Nam và cách thành phố Cần Thơ 100 km về phía Bắc, là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP. Hồ Chí Minh cả về đường thủy và đường bộ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thay mặt Thủ tướng trao Quyết định phê duyệt quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Tiền Giang
Nhận diện điểm nghẽn
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Tiền Giang cho thấy một số điểm nghẽn cần phải được giải quyết. Trước hết, đó là quy hoạch chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, tỉnh có thể trở thành một vùng mở rộng của TP. Hồ Chí Minh, có kết nối hiện đại, môi trường sống và làm việc hấp dẫn, cung cấp các sản phẩm chủ lực cho vùng TP. Hồ Chí Minh.
Tiền Giang cũng chưa thực sự phát huy được mũi nhọn về phát triển kinh tế trong cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Cụ thể, chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư quy mô. Số lượng doanh nghiệp chưa nhiều và chưa có doanh nghiệp lớn dẫn dắt. Môi trường đầu tư kinh doanh còn phải cải thiện nhiều.
Đặc biệt, kết nối hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế: giữa kết nối giao thông đối ngoại với nội tỉnh, kết nối giao thông đa phương thức, năng lực khai thác logistics để trở thành chuỗi chưa được chú trọng, đa phần chưa khai thác hết tiềm năng hiện có của tỉnh.
Bên cạnh đó, không gian kinh tế chưa gắn với không gian đô thị và môi trường, tính tích hợp còn yếu, thậm chí còn xung đột, nhiều giá trị cảnh quan chưa phát huy.
Đáng chú ý, tỉnh vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề. Trong nhiều năm qua dù được quan tâm, nhưng mức độ đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Dẫn tới việc nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo theo hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn chưa có kết quả rõ rệt.
Chính vì vậy, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho tỉnh, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.
Tạo động lực phát triển
Quy hoạch đã đặt mục tiêu rất cụ thể, đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Để đạt được mục tiêu trên, Tiền Giang sẽ tập trung vào các đột phá phát triển gồm: Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, 4 hành lang kinh tế trọng điểm; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, nhất là trong các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành quan trọng
Thứ nhất, phát triển công nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh Tiền Giang, trong đó tập trung phát triển tại 2 khu vực: Khu vực công nghiệp Tân Phước (10.000 ha) và khu vực công nghiệp Gò Công (5.000 ha).
Thứ hai, phát triển ngành dịch vụ đặc biệt là ngành du lịch tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa.
“Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch; xác định các dự án ưu tiên để tập trung huy động nguồn lực thực hiện; phối hợp, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động và bố trí các nguồn lực thực hiện hiệu quả các mực tiêu, định hướng của Quy hoạch bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của đất nước và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh cũng mong muốn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ tập trung hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang trong quá trình thực hiện Quy hoạch; đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của Quy hoạch bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của đất nước, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của đất nước và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho Tiền Giang”- ông Trần Văn Dũng nhấn mạnh./.
NAM TRANG - TẠP CHÍ DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP