Thành lập Doanh nghiệp theo quy định của pháp luật là quyền của cá nhân, tổ chức được Nhà nước bảo hộ
Nhằm mục đích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong quá trình tìm hiểu về các loại hình doanh nghiệp và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, hợp lệ cho việc đăng ký thành lập mới doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư vấn, hướng dẫn đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với từng loại hình doanh nghiệp cụ thể.
Loại hình doanh nghiệp nào phù hợp với bạn?
Thành lập doanh nghiệp là bước đầu, tạo lập công cụ để thực hiện một ý tưởng kinh doanh. Để đảm bảo doanh nghiệp của bạn sẽ là một công cụ kinh doanh hiệu quả và an toàn, trước tiên, bạn cần lưu ý tìm hiểu những thông tin cơ bản sau:
- Loại hình doanh nghiệp nào là phù hợp?
- Lựa chọn mô hình tổ chức quản lý nào?
- Lựa chọn tên doanh nghiệp như thế nào?
- Quy trình đăng ký thành lập doanh nghiệp ra sao?
Đặt tên doanh nghiệp ra sao?
- Tên doanh nghiệp = “Loại hình doanh nghiệp” + “Tên riêng của doanh nghiệp”
- Tên riêng của doanh nghiệp được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
- Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài được dịch từ tên Tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La- tinh;
- Tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài;
- Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài
- Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành
- Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:
+ Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
+ Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
+ Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Những điều cần lưu ý về ngành, nghề kinh doanh
- Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
- Doanh nghiệp có nghĩa vụ đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
- Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
- Các hành vi bị nghiêm cấm: kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư hoặc không đảm bảo duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động.
- Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
(Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp)