Thành lập Công ty Cổ phần
I. Công ty Cổ phần là gì?
Công ty CP là một loại hình doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong đó:
+ Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
+ Cổ đông sở hữu cổ phần có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
+ Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 119 và Khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014;
+ Công ty CP có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.
II. Ưu điểm của loại hình Công ty CP
Được phát hành cổ phần để huy động vốn tham gia của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế;
Có cấu trúc vốn đa dạng, phù hợp với yêu cầu phát triển và yêu cầu quản lý của công ty; cổ đông Công ty CP được thực hiện các quyền của chủ sở hữu thông qua Đại hội đồng cổ đông;
Các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro của các cổ đông không cao;
Quy mô hoạt động của Công ty CP thường lớn với khả năng mở rộng kinh doanh thuận lợi thông qua huy động vốn cổ phần.
III. Quản lý Công ty CP
Đại hội đồng cổ đông: gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của Công ty CP.
Hội đồng quản trị: là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Chủ tịch Hội đồng quản trị: Hội đồng quản trị bầu một thành viên của Hội đồng quản trị làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 152 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác.
Giám đốc/Tổng Giám đốc: là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty; do Hội đồng quản trị bổ nhiệm hoặc thuê, chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.
Ban kiểm soát: Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành viên, nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và Kiểm soát viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên được quy định tại Điều 164 Luật Doanh nghiệp 2014.
IV. Người đại diện theo pháp luật của Công ty CP
Luật Doanh nghiệp cho phép Công ty CP và Công ty TNHH có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể về số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
V. Một số nội dung khác
Cổ phiếu: là chứng chỉ Công ty CP phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Công ty CP có cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi:
+ Cổ phần phổ thông là loại cổ phần bắt buộc khi thành lập Công ty CP.
+ Cổ phần ưu đãi bao gồm: Cổ phần ưu đãi biểu quyết, Cổ phần ưu đãi cổ tức, Cổ phần ưu đãi hoàn lại, Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.
+ Cổ phần phổ thông không thể chuyển thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển thành cổ phần phổ thông theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Cổ phần được quyền chào bán là tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn. Số cổ phần được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng số cổ phần các loại mà công ty sẽ bán để huy động vốn, bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua và cổ phần chưa được đăng ký mua.
Cổ phần đã bán là số cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua.
Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán. Tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Cổ phần chưa bán là tổng số cổ phần mà chưa được các cổ đông đăng ký mua.
Vốn điều lệ là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã bán các loại. Tại thời điểm đăng ký thành lập, vốn điều lệ là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
Sổ đăng ký cổ đông: Công ty CP phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp Giấy chứng nhận ĐKDN. Sổ đăng ký cổ đông có thể là văn bản, tập dữ liệu điện tử hoặc cả hai loại này.
Phát hành cổ phiếu là việc chào bán cổ phiếu của Công ty CP cho nhà đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu về vốn của công ty. Việc phát hành cổ phiếu có thể diễn ra nhiều lần và được chia thành các trường hợp: phát hành cổ phiếu lần đầu để huy động vốn thành lập công ty và phát hành cổ phiếu trong quá trình hoạt động của công ty.
+ Phát hành cổ phiếu khi thành lập công ty: khi thành lập công ty, Công ty CP phải huy động vốn góp của các cổ đông. Các cổ đông sáng lập phải thực hiện nguyên tắc nhất trí về số lượng cổ phần, loại cổ phần dự kiến chào bán. Các nội dung này được ghi trong Điều lệ công ty.
+ Phát hành cổ phiếu trong quá trình hoạt động:
- Công ty CP thực hiện việc chào bán cổ phần theo một trong các phương thức sau:
Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả internet;
Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
Chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định;
Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư đã được xác định.
- Để chào bán cổ phần, Công ty CP phải thực hiện đầy đủ các quy định sau:
Hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện chào bán cổ phần thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật về chứng khoán.
Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và thông tin người mua được ghi vào sổ đăng ký cổ đông. Người mua trở thành cổ đông của công ty.
Trường hợp công ty phát hành thêm cổ phần phổ thông và chào bán số cổ phần đó cho tất cả cổ đông phổ thông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ thì công ty phải thông báo bằng văn bản đến các cổ đông kèm theo mẫu phiếu đăng ký mua do công ty phát hành.
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành.
Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của công ty phát hành theo điều kiện đã quy định trước.
Trừ khi Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị có quyền quyết định loại trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu và thời điểm phát hành phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp gần nhất. Báo cáo kèm theo tài liệu và hồ sơ giải trình quyết định của Hội đồng quản trị về việc phát hành trái phiếu.
Phát hành trái phiếu
+ Công ty CP có thể phát hành trái phiếu để vay vốn trung hạn và dài hạn khi nhu cầu về vốn kinh doanh vượt quá khả năng tài chính của các cổ đông.
+ Công ty CP có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
VI. Thành phần hồ sơ đăng ký thành lập Công ty CP
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Mẫu Phụ lục I-4);
2. Điều lệ công ty (có đầy đủ chữ ký của người tham gia thành lập doanh nghiệp);
3. Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức (có đầy đủ chữ ký) (Mẫu Phụ lục I-7)
4. Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
+ Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân;
+ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.