Hướng dẫn thủ tục Thành lập mới doanh nghiệp
Trong Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, trong đó mô tả quy trình thành lập một doanh nghiệp để bắt đầu hoạt động kinh doanh ở Việt Nam gồm 09 bước, thực hiện trong thời gian 22 ngày. Nội dung thể hiện trong báo cáo cho thấy, thủ tục khởi sự kinh doanh bao gồm nội dung đăng ký kinh doanh, làm con dấu và thông báo mẫu dấu, mở tài khoản ngân hàng, công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp, nộp thuế môn bài, và nội dung liên quan đến bảo hiểm xã hội,…
Trên thực tế, việc thành lập và để doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động phức tạp không còn là lý thuyết. Đã có rất nhiều doanh nghiệp phải tiến hành giải thể ngay sau khi hoàn tất thủ tục thành lập doanh nghiệp vì không ngờ việc đưa một doanh nghiệp đi vào hoạt động lại khó khăn, phức tạp. Vì vậy, trong nội dung bài viết dưới đây, Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang tư vấn quý doanh nghiệp các bước đơn giản về thủ tục thành lập doanh nghiệp mới. Cụ thể:
Bước 1: Thành lập mới doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư
Để đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ để gửi đến phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính. Bộ hồ sơ này có thể thêm bớt một/một số giấy tờ khác nhau tùy thuộc vào loại hình mà doanh nghiệp lựa chọn, bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT);
- Dự thảo Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên/cổ đông sáng lập (Đối với Công ty TNHH 2TV trở lên; Công ty cổ phần và Công ty hợp danh);
- Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ sở hữu công ty/các thành viên/cổ đông góp vốn;
- Giấy ủy quyền và bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền (đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ và nhận kết quả).
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và giấy tờ nói trên, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ thông qua website: dangkykinhdoanh.gov.vn bằng tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số công cộng.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo hồ sơ hợp lệ/thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ về email doanh nghiệp đã đăng ký tài khoản.
Trường hợp nhận được hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng văn bản giấy tại Bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư để nhận kết quả “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
Bước 2. Thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp
Sau khi nhận được “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”, doanh nghiệp có thể liên hệ với những đơn vị dịch vụ khắc dấu để làm con dấu. Đồng thời thực hiện thông báo mẫu dấu để đăng tải trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Mẫu văn bản “Thông báo mẫu dấu” doanh nghiệp có thể tham khảo tại Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT.
Bước 3. Liên hệ làm chữ ký số
Trong quá trình hoạt động của 01 doanh nghiệp, kể từ khi thành lập mới đến khi giải thể, cần phải lưu ý về những nội dung liên quan đến thuế như: Thuế môn bài sau khi thành lập doanh nghiệp, thuế môn bài hàng năm, nộp tờ khai thuế hàng quý/hàng tháng; nộp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; nộp báo cáo tài chính hàng năm,…
Do vậy, doanh nghiệp cần liên hệ đơn vị dịch vụ làm chữ ký số để thực hiện quản lý thuế của mình, đảm bảo việc thực hiện đầy đủ những nội dung trên đúng thời hạn luật định.
Bước 4. Nộp thuế môn bài
Tại bước này, doanh nghiệp có thể lựa chọn 02 phương thức: nộp thuế môn bài trực tiếp, hoặc nộp thông qua phương thức nộp thuế điện tử.
- Về phương thức 1: doanh nghiệp có thể thực hiện nộp thuế môn bài trực tiếp tại những phòng Giao dịch của Ngân hàng có liên kết hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế như Ngân hàng Vietinbank, Agribank,…
- Về phương thức 2: Để thực hiện phương thức nộp thuế điện tử này, doanh nghiệp cần mở tài khoản ngân hàng doanh nghiệp và đăng ký nộp thuế điện tử tại những ngân hàng có hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Phương thức này có phức tạp hơn so với phương thức nộp thuế trực tiếp, tuy nhiên, sẽ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp trong thời gian lâu dài. Bởi sau khi đã đăng ký nộp thuế điện tử thành công, doanh nghiệp có thể thực hiện nộp tất cả các loại thuế: thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, tiền nộp phạt,… thông qua chữ ký số của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tùy thuộc nhu cầu hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện thông báo phát hành hóa đơn GTGT; đăng ký lao động và đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động,…
Trên đây là các quy trình đơn giản để thực hiện thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp. Nếu Quý doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện các dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ được các chuyên viên tư vấn nhiều kinh nghiệm của Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện những thủ tục thành lập mới và sau thành lập như làm con dấu, làm chữ ký số, thông báo sử dụng mẫu con dấu, đồng thời hướng dẫn quý Khách đăng ký nộp thuế điện tử,…